Trong 10 năm qua, Việt Nam đã cam kết ứng phó với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) với việc ban hành văn bản chính đầu tiên vào năm 2008, nền tảng của các chính sách về khí hậu của quốc gia, đó là Chương trình Mục tiêu Quốc gia Ứng phó với Biến đổi khí hậu (NTP-RCC). Tháng 9 năm 2015, Việt Nam đã đệ trình Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) Dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC). Tháng 4 năm 2016, tại New York, Hoa Kỳ, Việt Nam đã ký Thỏa thuận Paris, và đã phê duyệt Thỏa thuận này vào tháng 11 năm 2016.
Ngày 08/05/2018, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi Trường (TNMT) cùng Đại học Kinh tế Quốc dân (KTQD) và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, triển khai chương trình GEMMES (viết tắt của General Monetary and Multisectoral Macrodynamics for the Ecological Shift) – Chương trình nghiên cứu kinh tế về BĐKH, một nội dung chính của Bản thỏa thuận – MOU – được kí kết giữa Bộ trưởng Bộ TNMT và Tổng giám đốc AFD tại Phủ Tổng thống vào ngày 27/03/2018 dưới sự chứng kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Pháp Macron nhân chuyến công du của Tổng Bí thư tại Pháp từ ngày 25 đến ngày 28/05/2018. Ngoài ra, GEMMES Việt Nam cũng là một trong những nội dung được đề cập đến trong bản Tuyên bố chung Việt Nam – Pháp nhân chuyến công du này. Tại khu vực châu Á, Việt Nam là quốc gia đầu tiên được thụ hưởng chương trình GEMMES.

Ông Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại buổi đối thoại

GS. Trần Thọ Đạt, hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quôc dân phát biểu tại buổi đối thoại
Chia sẻ về việc triển khai chương trình ông Fabrice Richy – Giám đốc AFD cho biết, chương trình được triển khai nhằm ứng dụng những phương pháp nghiên cứu mới nhất về các tác động kinh tế của biến đổi khí hậu, qua đó đưa ra những đánh giá về khả năng thiệt hại cũng như quỹ đạo thích ứng của Việt Nam. “Các đánh giá của chương trình sau đó vừa được sử dụng để xác định vị thế quốc tế của Việt Nam trong đàm phán về khí hậu, vừa nhằm mục đích nội bộ khi tối ưu hóa các khoản đầu tư cho thích ứng ở cấp tỉnh,” ông Fabrice Richy nhấn mạnh.

Ông Gael Giraud (AFD), trình bày tại buổi đối thoại

Chương trình GEMMES tại Trường Đại học KTQD thu hút sự quan tâm, tham gia trực tiếp của hàng nghìn bạn trẻ
Chương trình GEMMES tại Trường Đại học KTQD thu hút sự quan tâm, tham gia trực tiếp của hàng nghìn bạn trẻ. Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn lượt sinh viên, thanh niên theo dõi trực tuyến trên các kênh truyền thông của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Việc truyền thông và giúp giới trẻ có nhận thức đúng đắn và sâu sắc về BĐKH sẽ là một trong những yếu tố quyết định đối với sự thành công của công cuộc chiến đấu chống lại BĐKH. Điều đó cũng cho phép toàn xã hội hiểu được, thích ứng và ứng phó được với những cú sốc, cũng như dự báo trước được và một cách toàn diện hơn trong việc thiết lập, suy nghĩ và xây dựng những mô hình phát triển bền vững mới. Đối thoại với giới trẻ cũng cho phép họ, trong bản thân mỗi người, trở thành nhân tố của sự phát triển chung của toàn xã hội và cũng chính là thể hiện sự tin tưởng dành cho họ.

Các bạn sinh viên đặt câu hỏi tại buổi đối thoại
Chương trình GEMMES được AFD khởi xướng với mục đích góp phần tạo thuận lợi cho những đối thoại chính sách công xoay quanh các vấn đề kinh tế vĩ mô gắn với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Trên thế giới, AFD đã phối hợp chính quyền các nước, những tổ chức nghiên cứu triển khai thành công GEMMES tại: Brazil, Bờ Biển Ngà, Tunisia, Colombia… Tại châu Á, AFD đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên cho chương trình này.
Dự án này hoàn toàn thuộc trọng tâm của sự hợp tác Pháp–Việt (kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước), trong khuôn khổ triển khai thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, và xây dựng chiến lược dài hạn cho các quốc gia để ứng phó với các tác động của khí hậu. Việt Nam hiện đang chuẩn bị cập nhật các tài liệu chiến lược khí hậu của mình, và Pháp đã khẳng định sự quan tâm và mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng tầm các tham vọng của quốc gia để đáp ứng được những cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Các diễn giả tham gia “Đối thoại Thanh niên với BĐKH”: GS. Trần Thục – Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về BĐKH (ngoài cùng bên phải); Ông Gael Giraud – Kinh tế trưởng Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) (thứ 2 từ phải sang); chị Phạm Thị Hương Giang – người sáng lập và điều hành dự án Nhà Chống Lũ (thứ 2 từ trái sang)
Dự án GEMMES Việt Nam sẽ có ba nhóm hoạt động:
✓ Một nhóm nghiên cứu khoa học là trọng tâm của chương trình, nhóm này sẽ phát huy nghiên cứu một cách độc lập, sau đó sẽ cung cấp những dự báo và khuyến nghị tham vấn chính sách về các chủ đề thiệt hại do khí hậu gây ra và thích ứng; Dự án GEMMES cũng sẽ giúp tăng cường cho hoạt động của mạng lưới các nhà nghiên cứu và chuyên gia Pháp – Việt;
✓ Tiếp đó là một nhóm cơ quan quản lý trong đó có MONRE, AFD và đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, với mục đích phối hợp với các Bộ ngành liên quan đến vấn đề khí hậu và cung cấp những dự báo và khuyến nghị cho các cơ quan này;
✓ Cuối cùng là một nhóm tuyên truyền công chúng, tạo thuận lợi cho việc phổ biến những thông tin về tác động của biến đổi khí hậu và những chiến lược có thể tiến hành để tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi, đồng thời hỗ trợ cho hoạt động dự báo của các nhà nghiên cứu và các cơ quan hoạch định chính sách thông qua sự tiếp xúc gần gũi hơn với các trào lưu khác nhau trong xã hội. Nhóm này sẽ thông qua 4 kênh chính là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và cộng đồng Pháp Việt (thông qua Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam trên thế giới (AVSE)).

Ông Fabrice Richy (Giám đốc AFD) và Ông Tăng Thế Cường (Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu) cùng nhau nhấn nút đánh dấu thời khắc triển khai chương trình GEMMES tại Việt Nam
Việc triển khai thành công chương trình GEMMES đánh dấu một bước đi quan trọng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp nhân kỉ niệm 45 năm. Bên cạnh đó, việc tổ chức buổi đối thoại là sự hợp tác thành công giữa AFD (ĐSQ Pháp) và Bộ TNMT, Đại học KTQD cùng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Tinh thần hợp tác này dựa trên sự quyết tâm và trách nhiệm cùng hướng tới tương lai với mục tiêu chung là giúp Việt Nam thích ứng một cách hữu hiệu với BĐKH và các tác động của nó.